Đã xem: 1389
Quy hoạch mới cần thiết phải xây dựng và ban hành vì Quy hoạch cũ đã hết hạn và có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế đã có nhiều thay đổi. Hiện nguồn tài nguyên thiên nhiên như quặng apatit, khí, than không còn dồi dào như trước; năng lực sản xuất của các đơn vị cũng khác. Nhu cầu xã hội cũng như các điều kiện kinh tế-xã hội trên thế giới lại thay đổi nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ tới định hướng phát triển của ngành hóa chất.
Vì vậy, việc ban hành Quy hoạch mới đáp ứng các yêu cầu mới là cấp thiết để ngành hóa chất phát triển theo hướng hiện đại; hướng tới phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Quy hoạch mới cũng nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại của Quy hoạch cũ như: Đề ra nhiệm vụ quá lớn, nhiều dự án và trải đều trên tất cả các ngành sản xuất nên thiếu vốn để triển khai hết; thiếu đồng bộ giữa các ngành kinh tế dẫn đến những vướng mắc không khắc phục được; chưa xây dựng được những khu công nghiệp hóa chất liên hoàn để tận dụng chất thải của nhà máy này làm nguyên liệu cho nhà máy kia. Ví dụ: nhà máy sản xuất sô đa cần xây dựng bên cạnh nhà máy sản xuất ammoniac, axít nitric và amoni nitrat, để tận dụng nguồn CO2 của sản xuất ammoniac cho sản xuất sô đa hoặc tận dụng khí thải của sản xuất photpho vàng làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu cho các quá trình khác.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại của Quy hoạch trước đây, Quy hoạch phát triển ngành hóa chất định hướng đến năm 2020 sẽ có những đột phá gì, thưa Cục trưởng?
Quy hoạch mới lần này sẽ tập trung vào phát triển một số nhóm sản phẩm quan trọng, thiết yếu mà Việt Nam có nhu cầu cao trong khi vẫn phải lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Trong các nhóm này, Quy hoạch sẽ đặc biệt ưu tiên nhóm sản phẩm hóa dược bởi cho đến nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 50% giá trị thuốc chữa bệnh. Điều đáng quan tâm là trong 50% giá trị thuốc sản xuất trong nước còn lại thì có tới 90% là thuốc sản xuất từ nguyên dược liệu nhập khẩu và chỉ chủ yếu là các thuốc thông thường, không phải là thuốc thiết yếu.
Theo đó, trong quy hoạch mới này, sự ưu tiên đầu tư sẽ tập trung cho các dự án xây dựng nhà máy chiết xuất hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên và bán tổng hợp sử dụng nguyên liệu từ nguồn dược liệu trong nước, nhà máy sản xuất hoá dược vô cơ và tá dược thông thường và cao cấp, nhà máy sản xuất kháng sinh nhóm cefalosporin thế hệ 1, 2, 3, nhà máy sản xuất sorbitol…
Ngoài ra, Quy hoạch cũng sẽ tập trung đầu tư cho nhóm hóa chất bảo vệ thực vật bởi cho đến nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu và gia công sản phẩm của nước ngoài trong khi nhóm sản phẩm này đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực đất nước.
Cùng với việc khắc phục tính dàn trải của Quy hoạch trước đây, Quy hoạch lần này cũng đưa vào các quy định cụ thể và nghiêm ngặt nhằm hạn chế thấp nhất những tác động gây ô nhiễm môi trường đi kèm với sản xuất của ngành hóa chất. Theo đó, các dự án hóa chất áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và các chất thải đã có các công nghệ kiểm soát hữu hiệu sẽ được ưu tiên phát triển; các nhà máy sản xuất hóa chất trong khu dân cư sẽ được di dời vào khu, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Thực tế cho thấy, nhiều ngành, lĩnh vực thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt nhưng không đạt hoặc bị vỡ quy hoạch. Vậy đâu là các giải pháp quan trọng để hiện thực hóa Quy hoạch phát triển ngành hóa chất định hướng đến 2020 này, thưa ông?
Theo Luật Đầu tư hiện nay, các địa phương, các ngành chỉ cần căn cứ vào Quy hoạch đất đai, Quy hoạch tài nguyên để ra quyết định đầu tư nên mới có chuyện “xé rào” Quy hoạch như thời gian qua. Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành lại không thể là quy hoạch “cứng” để hạn chế việc tạo ra cơ chế xin cho.
Vì vậy, để không lãng phí nguồn lực xã hội, hạn chế sự cạnh tranh không cần thiết và tình trạng mất cân đối cung cầu, khi triển khai đầu tư các dự án, các đơn vị liên quan cần có sự thống nhất về chủ trương với cơ quan quản lý ngành, đảm bảo đúng quy hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện và tạo cơ chế thành lập và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng hoạt động hiệu quả; tạo sự liên kết và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu và chế biến sản phẩm, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước liên kết với nhau và tham gia vào thị trường toàn cầu.
Chính phủ cũng cần thiết lập các kênh chính thức và không chính thức để giám sát thực hiện quy hoạch một cách có hiệu quả, đánh giá mức độ thành công của các dự án, có các ủy ban đàm phán, hiệp hội doanh nghiệp, hướng dẫn và trao đổi nhân sự thường xuyên để chia sẻ những thông tin quan trọng, tránh các báo cáo hình thức.
Ngoài ra, trong điều kiện tiềm lực tài chính, công nghệ còn hạn chế, việc sớm ban hành các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và cụ thể hơn về thuế, đất đai, các bảo đảm đầu ra cho dự án… sẽ giúp Việt Nam thu hút được các nguồn FDI chất lượng cao đầu tư vào các dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ hiên đại như hóa dầu, hóa chất cơ bản, chế phẩm bảo vệ thực vật, phân đạm, lân, DAP. Việc thu hút đầu tư này là rất cần thiết bởi đây là những dự án sản xuất nguyên liệu thượng nguồn cho nhiều ngành công nghiệp và phục vụ cho nông nghiệp, giúp giảm nhập khẩu, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu./.